Trước việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học… tràn lan, nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, hạn chế hóa chất độc hại đã trở nên bức thiết với mỗi người tiêu dùng. Chính vì vậy, vài năm gần đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tìm hướng nuôi trồng và sản xuất thực phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Và đây là một hướng đi đúng dù đường đi còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ và Đại học Ngoại thương, Đỗ Ngọc Trâm đang làm việc cho một công ty nước ngoài thì chị từ bỏ tất cả để mở cửa hàng thực phẩm sạch vào năm 2013. Ngày mới vào nghề, Trâm cũng bầm dập không ít trên thương trường, đặc biệt là trăn trở giữa việc kinh doanh thực phẩm sạch hay “chưa sạch”? Sau 7 năm phát triển và xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch mang tên Green Life, cô vẫn kiên cường đứng vững với sự lựa chọn của mình.
|
Chị Trâm vững tâm với Dự án đậu phụ sạch “Quê mình” |
Chị Trâm cho biết, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch được 5 năm. Quãng thời gian tuy không dài nhưng cũng giúp chị trải nghiệm những cung bậc thăng trầm của thị trường thực phẩm sạch.
Tháng 8/2017, chị Trâm thử sức mình với Dự án đậu phụ Quê mình, Công ty Cổ phần Organic Green Nut. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Hà Nội đã có gần 40 đại lý đăng ký bao tiêu đưa sản phẩm tới khách hàng. Không những thế, sản phẩm đậu phụ Quê Mình còn vươn tới một số tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An…
Xuất phát điểm từ một nhà bán lẻ thực phẩm sạch, chị hiểu mong muốn mà những người làm giống chị đang cần. Không phải giá thành được đặt lên hàng đầu, nhà bán lẻ thực phẩm sạch luôn kiếm tìm sản phẩm có chất lượng cao, quy trình sản xuất đảm bảo để phục vụ khách hàng bởi mong muốn đem lại những giá trị nhân văn tốt đẹp cho cộng đồng. Chính vì vậy sau nhiều trăn trở, chị quyết định đầu tư thêm lĩnh vực sản xuất đậu phụ, một sản phẩm có giá trị kinh tế thấp nhưng lại rất cần thiết trong bữa ăn của mỗi gia đình.
“Đậu phụ Quê Mình” giống như tên gọi của nó, một sản phẩm thuần Việt được làm hoàn toàn từ nguyên liệu đỗ tương Việt Nam, không biến đổi gen (Non-GMO). Do đỗ khi mua về còn phơi rối nên phải phơi lại hoặc thuê sấy để đỗ khô đạt độ ẩm còn 12-14%, đóng bao bì 1 lớp túi ni lông và 1 lớp bao tải xác rắn để đỗ không bị ẩm mốc, tránh mối mọt.
Tính cả công vận chuyển, phơi khô và đóng gói, giá thành đỗ tương Việt Nam cao hơn giá đỗ tương nhập khẩu 40% vào vụ đông và có khi đắt gần gấp đôi vào những vụ khó canh tác như vụ trồng xuân hạ hoặc hè thu. Đỗ lại không nhiều, không có sẵn nên để làm đậu phụ chị phải tích trữ đủ số lượng cho ít nhất 3 tháng sản xuất, phải thuê kho chứa đủ rộng, thoáng, kiểm tra thường xuyên để trách mốc mọt.
Theo chị Trâm, đây là rào cản khiến hầu hết các xưởng sản xuất đậu phụ hiện nay sử dụng đỗ tương nhập ngoại, mà trên thị trường lúc nào cũng sẵn có các loại đỗ tương Mỹ, Canada, Trung Quốc với trên 90% là giống biến đổi gen (GMO).
Ngoài việc lựa chọn nguyên liệu sạch, đậu phụ Quê Mình được sản xuất theo phương pháp gần với truyền thống, chỉ sử dụng muối Nhật và muối hạt sạch của Việt Nam mà không cho thêm bất kỳ một phụ gia hay chất bảo quản nào, chính vì vậy đậu không để được lâu, ăn ngon nhất trong ngày và có thể để được 4 ngày nếu đóng hộp kín, bảo quản ngăn mát tủ lạnh. Phương pháp kết tủa cũng làm trực tiếp bằng tay bởi theo chị Trâm, cách kết tủa này cho ra loại đậu mềm mịn và vẫn được đánh giá là ngon nhất bởi dường như mỗi bìa đậu đều được thổi hồn từ người làm ra sản phẩm
Để làm ra sản phẩm, những người sản xuất đã hết sức trăn trở giữa việc áp dụng công thức sản xuất truyền thống hay hiện đại, dùng nguồn nguyên liệu sẵn có hay chọn hướng đi lâu dài bằng việc xây dựng vùng trồng để chủ động sản xuất. Cuối cùng, Trâm đã lựa chọn con đường khó khăn hơn - lấy giá trị cốt lõi của sản phẩm là nguồn nguyên liệu đỗ tương Việt Nam, không biến đổi gen với khát khao khôi phục lại các vùng trồng đỗ tương an toàn và hữu cơ để chế biến ra các sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe
“Xác định lấy đỗ tương Việt Nam là nguồn duy nhất, song chúng tôi không thể cứ mãi đi thu gom của người nông dân theo cách nhỏ lẻ được. May mắn thay, một số hợp tác xã đã đồng hành cùng chúng tôi tổ chức các nhóm canh tác đỗ tương an toàn tại các vùng Hà Giang, Phúc Thọ (Hà Nội), Hưng Yên, giúp công ty có đủ nguồn nguyên liệu chế biến quanh năm”, Chị Trâm cho biết.
Đã 3 năm kể từ ngày khởi nghiệp, Dự án Đậu phụ Quê Mình giờ đây đã cho những thành công nhất định. Dù dự án có những cộng sự đã bỏ cuộc, có những lúc chị Trâm chán nản muốn dừng bởi vì đã dành nhiều tâm huyết và tiềm lực nhưng kết quả không như mong đợi. Rồi cũng chính bởi sự tử tế, niềm tin của những khách hàng tử tế lại là động lực để đậu phụ Quê Mình tiếp tục hành trình.
Sự khác biệt của Đậu phụ Quê Mình: 100% nguyên liệu là hạt đỗ tương Việt Nam: giống DT84, U9 trồng tại Huyện Phúc Thọ - Hà Nội và giống đỗ tương cổ trồng tại huyện Hoàng Su Phì – Hà Giang; Đỗ tương không biến đổi gen (Non-GMO), khác với phần lớn hạt đỗ tương nhập khẩu là biến đổi gen (GMO) gây nhiều tác hại tới sức khỏe con người và môi trường; Các sản phẩm đều sản xuất tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, không hương liệu hóa học; Sản phẩm minh bạch từ nguồn nguyên liệu tới khâu sản xuất, chế biến và phân phối.
Từ dự án đậu phụ sạch, với nguồn nguyên liệu sạch, hiện chị Trâm đã cho ra mắt thị trường nhiều sản phẩm từ hạt đỗ tương Việt Nam bao gồm Đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ, váng đậu tươi và hạt đỗ tương rang muối.