Khôi phục vùng trồng đậu tương không biến đổi gen, gây dựng thương hiệu đậu phụ

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam Online
Ngày 18/07/2021

Chị Đỗ Thị Ngọc Trâm là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Organic Green Nut, sáng lập thương hiệu Đậu phụ Quê Mình.

Tạo ra điểm khác biệt cho những sản phẩm dân giã từ đậu tương là cách chị Đỗ Thị Ngọc Trâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Organic Green Nut, lựa chọn để khởi nghiệp với thương hiệu Đậu phụ Quê Mình.

Chị Ngọc Trâm chia sẻ: Đậu phụ là một món ăn đơn giản, dễ chế biến mà ai cũng có thể ăn được. Các sản phẩm làm từ hạt đậu nành không biến đổi gen (Non-GMO) có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam trên 90% lượng đậu phụ, sữa đậu nành được chế biến từ nguồn đỗ tương biến đổi gen (GMO) nhập khẩu từ các nước Pháp, Mỹ, Braxin, Trung Quốc…. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, khi ăn những thực phẩm biến đổi gen nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe… 

  • Trước khi chuyển sang lĩnh vực sản xuất, chị Đỗ Thị Ngọc Trâm đã có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực truyền thông Công nghệ thông tin và ngành bán lẻ thực phẩm sạch 7 năm. Đầu năm 2018, có dịp tham gia dự án khôi phục các vùng trồng đậu tương tại Việt Nam và phát triển các sản phẩm làm từ hạt đậu tương không biến đổi gen, chị Ngọc Trâm đã quyết định triển khai Dự án Đậu phụ Quê Mình. Sau hơn 3 năm, đến nay, cơ sở sản xuất Đậu phụ Quê Mình cung cấp ra thị trường các sản phẩm Đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ, váng đậu tươi.
Khôi phục vùng trồng đậu tương không biến đổi gen, gây dựng thương hiệu Đậu phụ Quê Mình - Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Ngọc Trâm khôi phục vùng trồng đậu tương không biến đổi gene, gây dựng thương hiệu Đậu phụ Quê Mình

Mong muốn đẩy lùi vấn nạn thực phẩm biến đổi gen, chị Ngọc Trâm đã quyết định chọn hạt đậu tương Việt Nam không biến đổi gen để chế biến các sản phẩm truyền thống mà sản phẩm cốt lõi là Đậu phụ Quê Mình. Đó cũng cũng chính là điểm khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh của Đậu phụ Quê Mình.

Tạo dựng vùng nguyên liệu an toàn có kiểm soát

Chị Ngọc Trâm giới thiệu cùng PNVN: "Green Nut tự hào là đơn vị duy nhất sản xuất đậu phụ chỉ dùng hạt đậu tương Việt Nam, không dùng đậu tương nhập khẩu. Không chỉ thu mua hạt đậu tương cho bà con, chúng tôi còn liên kết với các hợp tác xã, các trang trại để tạo dựng vùng nguyên liệu với quy trình canh tác không hóa chất, có kiểm soát, đảm bảo các sản phẩm của công ty là sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe cộng đồng.

Những ngày đầu khởi nghiệp quả thật gian nan và không thể nào quên. Từ một người chưa từng biết đến nghề làm đậu phụ, suốt 3 tháng ròng, tôi lặn lội đi tìm các cơ sở sản xuất đậu phụ nổi tiếng tại các làng có nghề đậu phụ truyền thống ở miền Bắc như làng Kẻ, làng Mơ - Hà Nội, Xuân Lôi - Hưng Yên, Thuận Thành - Bắc Ninh. Tới mỗi nơi tôi đều đem túi hạt đậu tương đã ngâm sẵn cho các cơ sở sản xuất làm thành bìa đậu phụ rồi về gửi khách hàng ăn thử để cảm nhận và so sánh. 

Ban đầu các chủ cơ sở đều e dè và không muốn nhận làm thử. Nhưng khi biết được mong muốn của tôi mọi người hỗ trợ nhiệt tình. Tuy nhiên, tôi nhận được rất nhiều lời khuyên: Không nên làm hạt đậu tương Việt Nam vì giá thành đắt mà lại không dễ kiếm. Hầu hết các nơi người dân đã bỏ vùng trồng, chất lượng hạt đậu tương lại không đồng đều như đỗ tương nhập khẩu. Nhưng đã quyết là làm, ước mơ thôi thúc tôi bắt tay ngay vào dự án".

Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho công nhân và đội ngũ giao hàng tại xưởng sản xuất, chị Ngọc Trâm cũng góp phần tạo công việc cho các lao động địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ tại các tỉnh mà công ty đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu như Hoàng Su Phì – Hà Giang, Hạ Lang – Cao Bằng, Phúc Thọ - Hà Nội. Tuy không nhiều nhưng chị Ngọc Trâm đã và đang tạo dựng những giá trị có ích cho cộng đồng.

Làm việc 15 tiếng/ngày để vượt qua mùa dịch

Từ đầu năm 2020 đến nay, Green Nut liên tục đối mặt với những khó khăn và thách thức mà đại dịch Covid-19 mang đến. Chị Ngọc Trâm cho biết: Covid-19 khiến những đơn vị sản xuất như chúng tôi liên tục trong tình trạng thiếu nhân sự, công nhân và giao hàng bỏ việc về quê, nhảy việc. Có những lúc tôi vừa làm chân ship hàng, vừa làm công nhân với cường độ làm việc 15 tiếng/ngày. Thị trường trong thời gian dịch bệnh cũng không ổn định. Có thời điểm doanh thu tăng vọt nhưng có những thời điểm doanh thu giảm tới 30% do người dân cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, do hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đậu phụ lại là sản phẩm giá trị thấp nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. 

Khôi phục vùng trồng đậu tương không biến đổi gen, gây dựng thương hiệu Đậu phụ Quê Mình - Ảnh 3.

Các sản phẩm của thương hiệu Đậu phụ Quê Mình

Để vượt qua khó khăn, không còn cách nào hơn là nỗ lực hết sức và phục vụ khách hàng tận tâm bằng tất cả khả năng của mình. Trong những thời điểm khan hiếm nguồn nguyên liệu, chị Trâm vẫn quyết định tìm sự chia sẻ của khách hàng bằng việc giảm sản lượng sản xuất để chờ vụ thu hoạch mới chứ không dùng nguyên liệu đỗ tương nhập khẩu thay thế.

Trong thời gian tới, đội ngũ công ty sẽ tập trung duy trì ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời mở rộng thị trường. Chị Ngọc Trâm mong muốn sẽ đưa sản phẩm tới các cửa hàng tiện ích, siêu thị, đặc biệt là tới các trường học để thêm nhiều người biết và sử dụng sản phẩm an toàn của thương hiệu Đậu phụ Quê Mình.

Chị Đỗ Thị Ngọc Trâm là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Organic Green Nut, sáng lập thương hiệu Đậu phụ Quê Mình.

Website: www.greennut.vn, Fanpage: www.facebook.com/dauphuqueminh

5 bí quyết khởi nghiệp của chị Ngọc Trâm:

- Lập kế hoạch rõ ràng

- Vạch rõ mục tiêu và quyết tâm thực hiện mục tiêu bằng sự đam mê lẫn lý trí

- Xây dựng hệ thống quản trị ngay từ đầu

- Học hỏi từ những người xung quanh và các đối thủ

- Tận dụng các mối quan hệ có sẵn và không ngừng tìm kiếm, mở rộng các mối quan hệ tiềm năng mới.

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam Online

https://phunuvietnam.vn/khoi-phuc-vung-trong-dau-tuong-khong-bien-doi-gen-gay-dung-thuong-hieu-dau-phu-que-minh-20210717103144234.htm?fbclid=IwAR3brzMqlJltw1_GxilkZdQ_iTA9wmeEb2pdHeTb-L-J2lYCRWP-IFh_n2c



Có thể bạn sẽ thích

Reviews

Đánh giá bài viết “Khôi phục vùng trồng đậu tương không biến đổi gen, gây dựng thương hiệu đậu phụ”